Nguồn gốc và giáo dục Gia_Cát_Lượng

Gia Cát Lượng (Khổng Minh) là người đất Dương Đô (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông) quận Lang Nha đời Đông Hán. Ông sinh vào mùa Thu năm Tân Dậu (181) thời Hán Linh Đế. Dòng họ Gia Cát (諸葛) của ông là một họ kép ít gặp. Theo từ điển Hán Việt của Thiều Chửu và một số từ điển khác thì chữ 诸 (bính âm là zhū) thường được phiên là chư, vậy thì tên ông là Chư Cát Lượng (tiếng Hán: 诸葛亮; bính âm: Zhūgé Liàng). Tuy nhiên, nhiều từ điển Hán Việt ghi 2 cách đọc chư và gia, đồng thời ở mục họ 诸葛 (Zhūgé) thì chỉ phiên là Gia Cát. Theo sách "Khổng Minh Gia Cát Lượng", chữ "Cát" trong họ Gia Cát của ông có nguồn gốc từ việc ông là dòng dõi của Cát Anh, một tướng theo Trần Thắng khởi nghĩa chống Tần. Cát Anh có công, bị Trần Thắng giết oan. Khi Hán Văn Đế lên ngôi đã sai người tìm dòng dõi Cát Anh và đất Gia làm nơi ăn lộc. Một chi sau này lấy sang họ Gia Cát - ghép chữ "Cát" cũ và đất "Gia".[4]

Gia đình Gia Cát Lượng là hậu duệ của quan Tư lệ Hiệu úy là Gia Cát Phong đời nhà Hán, cha là Gia Cát Khuê, thời Hán mạt làm chức Quận thừa ở Thái Sơn, nhưng chết khi Gia Cát Lượng còn nhỏ. Gia Cát Khuê sinh được ba người con trai là Gia Cát Cẩn, Gia Cát Lượng và Gia Cát Quân.[4][5] Do cha mất sớm, Gia Cát Lượng theo chú là Gia Cát Huyền làm Dự Chương thái thú cho Viên Thuật. Gia Cát Huyền dẫn Lượng cùng em trai ông là Gia Cát Quân đến nhậm chức. Gặp lúc Hán triều cử người khác đến thay Huyền, nên ông qua Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu, vốn là chỗ quen biết cũ. Anh trai của ông là Gia Cát Cẩn tránh loạn đến Giang Đông, gặp lúc Tôn Sách chết, phục vụ cho Tôn Quyền ở Giang Đông.[5][6]

Dâng biểu "Gia Cát Lượng tập" của Trần Thọ mô tả Gia Cát Lượng "ít có nhân tài như vậy, có khí anh bá, thân cao tám thước, dung mạo khôi vĩ khác hẳn người thường".

Khi chú mất, Gia Cát Lượng đến ở đất Nam Dương thuộc vùng Long Trung, chỗ ở có trái núi Ngọa Long cương, nhân thế tự gọi là Ngọa Long tiên sinh, thích làm ca từ theo khúc "Lương Phủ Ngâm". Ông có 3 anh em, anh cả Gia Cát Cẩn làm quan bên Đông Ngô, em thứ là Gia Cát Quân làm quan đại thần cho nước Thục Hán cùng với ông, em họ Gia Cát Đản làm quan cho Tào Ngụy. Gia Cát Lượng tự mình cày ruộng, vốn cao tám thước, ông tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Người đương thời chẳng mấy ai tin, nhưng vài người như Thôi Châu BìnhTừ Thứ có giao du với ông thì tin ông có tài như vậy.[7]

Theo Bàng Thống truyện chép trong Tam quốc chí, Gia Cát Lượng là học trò của Bàng Đức Công, người Tương Dương. Gia Cát Lượng thường hay tới nhà, một mình lạy ở dưới giường, ban đầu Bàng Đức Công chẳng chỉ bảo gì sau mới dạy. Chính họ Bàng đặt các biệt danh Ngọa Long cho Gia Cát Lượng, Phượng Sồ cho Bàng Thống và Thủy Kính cho Tư Mã Huy. Bàng Đức Công có cháu là Bàng Thống, người sau này được Gia Cát Lượng tiến cử cho Lưu Bị.[8]Trong gia tộc Gia Cát, Gia Cát Lượng là người tài giỏi nhất nên người đời sau có câu: "Thục được rồng (Trong đó có cả ông và em ông Gia Cát Quân), Ngô được hổ, Ngụy được chó", ví trong 4 anh em thì ông tài giỏi nhất, Lưu Bị thu nạp được rồng và cả Gia Cát Quân em ông trong số 3 người (Lưu, Tào, Tôn).